Chó bị tụt canxi - nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị
1. Tụt canxi ở chó lài gì? Nguyên nhân chó bị tụt canxi phổ biến
Canxi là yếu tố quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta (chúng ta sử dụng canxi để kiểm soát nhiều hệ thống cơ quan). Vì vậy, canxi được điều tiết cẩn thận hơn bất kỳ yếu tố nào.
Các chức năng chính của canxi trong cơ thể:
- Cung cấp năng lượng điện cho các hệ thống thần kinh.
- Cung cấp năng lượng điện cho các hệ thống cơ bắp.
- Cung cấp sức mạnh cho hệ thống xương.
Mức canxi trong máu thấp hay còn gọi là chứng tụt canxi có liên quan đến một số rối loạn nghiêm trọng bao gồm ngộ độc chất chống đông, viêm tuyến tụy, suy thận và suy tuyến cận giáp. Ở chó cái đang cho con bú, tiết sữa quá nhiều có thể dẫn đến hạ canxi huyết (sốt sữa) và có thể dẫn đến co giật. Những vật nuôi nói chung hay ở chó nói riêng có lượng canxi thấp bất thường thường có dấu hiệu co giật cơ, chán ăn, yếu ớt và mệt mỏi. Trong trường hợp nghiêm trọng, chó có thể bị co giật động kinh.
Chúng ta cũng nên đề cập một chút về tuyến cận giáp, vốn là bốn tuyến nhỏ của hệ thống điều chỉnh nội tiết của cơ thể, kích thước to bằng hạt gạo hoặc đôi khi lớn như hạt đậu, vị trí nằm đằng sau tuyến giáp, chúng luôn theo dõi và đưa ra các phản ứng để kịp thời điều chỉnh lượng canxi trong máu. Việc suy tuyến cận giáp cũng là nguyên nhân gây ra chứng tụt canxi hoặc rối loạn điều tiết canxi nói chung, khá nghiêm trọng ở một cơ thể sống.
Xem thêm: Thiếu canxi ở chó - dấu hiệu, triệu chứng
2. Các biểu hiện, triệu chứng khi chó bị tụt canxi
2.1. Chó bị tụt canxi sau sinh
Khi sinh nở, cơ thể của động vật nói chung hay chó mẹ nói riêng đều trải qua những biến động khủng khiếp, chứng tụt canxi là một trong các biến chứng sau sinh khá phổ biến ở chó. Hiện tượng này xảy ra khá bất ngờ, thường xuất hiện khoảng từ vài ngày cho đến 2 tuần sau khi chó mẹ sinh con. Việc chăm sóc chó mẹ sau sinh là rất cần thiết, người chủ cần phải chú ý quan sát các biểu hiện bất thường ở chó mẹ để kịp thời đối phó với dạng bệnh lý cấp tính này vì trong trường hợp nặng, chó mẹ có thể chết chỉ sau 1 vài giờ đồng hồ.
Tại sao lại xảy ra tình huống này? Đó là vì khi mới đẻ, cơ thể chưa kịp hồi phục lại phải nuôi con, đặc biệt là nuôi nhiều chó con, lượng sữa của chó mẹ bị rút liên tục, cơ thể bị tổn hao quá nhiều năng lượng để tái tạo sữa mà bản thân nó còn chưa kịp hồi phục, dẫn đến tình trạng tụt canxi cấp tính ở chó mẹ.
Các biểu hiện của chứng tụt canxi sẽ rất rõ ràng ở chó mẹ như:
- Đột ngột bỏ ăn, loạng choạng, nằm lăn ra sàn, co giật run rẩy và duỗi thẳng, cứng đờ các chi.
- Thân nhiệt tăng cao.
- Cơ hàm co cứng, có khả năng cắn vào lưỡi.
- Mắt lờ đờ không phản ứng với kích thích.
Khi chó mẹ lên cơn, chúng ta cần phải xử lý ngay đồng thời phải bấm giờ các cơn động kinh. Nếu kéo dài hơn 1-2 phút, đó là bệnh lý nặng và phải đi bệnh viện, còn khi chó mẹ có thể hồi phục trong thời gian ngắn, đó chỉ là dấu hiệu đầu tiên của việc thiếu hụt canxi.
2.2. Suy thận ở chó
Suy thận là một bệnh lý có cả cấp tính lẫn mãn tính và hậu quả để lại của nó là vô cùng nguy hiểm, và dù có được chữa trị tốt thì chức năng thận của chó cũng sẽ bị suy giảm.
Điều nguy hiểm là: ở chó bị suy thận sẽ không hoặc rất ít xuất hiện (hoặc khi xuất hiện chỉ thoáng qua và chung chung khiến chủ nuôi chủ quan) các dấu hiệu của bệnh lý trước khi 70% mô thận đã bị hư hỏng. Bệnh suy thận kéo theo rất nhiều triệu chứng do các chất độc tích tụ không được xử lý và đào thải, việc làm rối loạn chuyển hóa canxi là một trong số các hệ quả tai hại.
Biểu hiện của bệnh suy thận có thể liệt kê như sau:
- Uống nhiều nước nhưng không đi tiểu nhiều, lượng nước tiểu khi ít khi nhiều, không đều, tiểu ra máu.
- Nôn mửa, sụt cân, hơi thở rất khó chịu.
- Tiêu chảy, bụng phình to, chân phù nề.
- Niêm mạc mắt, miệng nhợt nhạt, lở loét.
Ở tình trạng suy thận nặng, chú chó sẽ hôn mê, co giật và tử vong.
Hệ quả rối loạn chuyển hóa canxi vì suy thận bao gồm cả 2 chiều:
- Tụt canxi máu: co giật không báo trước, đau bụng, nôn mửa.
- Tăng canxi máu: đa niệu, chán ăn, táo bón, nôn mửa, mệt mỏi, suy nhược.
Xem thêm: Chó bị co giật - nguyên nhân | triệu chứng
2.3. Nhiễm trùng
Biến chứng của nhiễm trùng cũng gây ra chứng tụt canxi ở chó.
Đây là chứng bệnh cấp tính, xảy ra khi chú chó bị một số tổn thương mà không được chăm sóc y tế, môi trường sống bẩn thỉu, biểu hiện của chúng cũng giống như đã đề cập ở phần trên.
Xem thêm: Nhiễm khuẩn chó mèo - nguyên nhân & tác hại
2.4. Rối loạn photpho
Tỉ lệ phốt pho và canxi hay còn được viết là Ca/P cần thiếu cho cơ thể sống rơi vào khoảng 1.5/1, tùy vào từng giai đoạn phát triển của cơ thể mà tỉ lệ này có sự thay đổi đôi chút.
Vai trò của canxi đã đề cập bên trên, còn vai trò của phốt pho là thành phần cấu tạo của xương và răng, nó còn tham gia vào quá trình điều hòa pH của máu. Phốt pho còn là thành phần cấu thành nên DNA và RNA quan trọng trong thông tin di truyền và khống chế tế bào cơ thể hoạt động trao đổi chất bình thường, đồng thời tham gia vào trao đổi năng lượng bên trong cơ thể, trao đổi axit amin và hình thành protein, lipid phốt pho.
Điều thú vị là: Phốt pho cùng với canxi là 2 khoáng chất đứng đầu trong cơ thể con người nhưng người ta thường nhắc đến vai trò to lớn của Canxi mà không biết rằng chính Phốt pho giúp canxi được vận chuyển vào cơ thể.
Do đó, nếu các biểu hiện của việc tụt canxi đã xảy ra nhưng chúng ta lại chắc chắn rằng trong khẩu phần ăn đã có đủ canxi, ngay lập tức cần thêm vào tình huống thiếu hụt phốt pho trong khẩu phần ăn của chó.
3. Cách điều trị chó bị tụt canxi hiệu quả
Nói chung, việc điều trị tụt canxi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và nguyên nhân cơ bản. Đối với những con chó có mức canxi thấp nguy hiểm, bác sĩ thú y có thể cung cấp chất lỏng giàu canxi qua đường tĩnh mạch cho đến khi mức trở lại bình thường.
Khi chó bị các trường hợp nhẹ, bác sĩ thú y thường kê đơn thuốc uống và vitamin D. Điều quan trọng là phải theo dõi nồng độ canxi để đảm bảo rằng chó không nhận quá nhiều canxi, nếu không chúng có thể phát triển tình trạng ngược lại, đó là tăng canxi huyết.
Khi chó hồi phục, bác sĩ thú y cũng có thể kê đơn bổ sung canxi tiếp tục để tránh tái phát.
Nếu bác sĩ thú y tìm thấy nguyên nhân cơ bản, họ sẽ điều trị phù hợp. Ví dụ, viêm tụy có thể phải nhập viện và điều trị rộng rãi. Mặt khác, suy tuyến cận giáp có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc bổ sung canxi và vitamin D.
Điều trị các vấn đề cơ bản này thường giúp điều chỉnh mức canxi và chó có thể không cần điều trị thêm. Điều quan trọng là phải theo dõi những con chó đang hồi phục và tiếp tục thăm khám bác sĩ thú y để đảm bảo tình trạng bệnh không tái phát.
Xem thêm : Chó bị cảm lạnh ~ cách phòng và chữa bệnh
4. Chăm sóc chó mẹ bị tụt canxi
Khi phát hiện chó mẹ bị chứng tụt canxi, việc cần làm ngay là phải giúp chúng tránh bị tổn thương thêm bởi môi trường xung quanh trong cơn co giật, kéo chúng ra nơi thoáng khí, lót đệm hoặc giẻ và cho chúng nằm nghiêng ra nhằm tránh làm sặc đờm dãi, tìm cách giảm thân nhiệt khi co giật bằng cách chườm lạnh toàn thân (khi chườm lạnh tránh để quá lâu một vị trí dẫn đến tình trạng bỏng lạnh).
Sau khi các triệu chứng đã giảm, chó mẹ đã hồi phục phần nào, nhanh chóng đưa chó mẹ đến các cơ sở thú y để được chữa trị.
Khi chó mẹ bị tụt canxi cấp tính, việc đương nhiên cần làm đó là bổ sung canxi, có 2 phương pháp bổ sung canxi:
- Tiêm trực tiếp: đây là phương pháp xử lý khẩn cấp khi chó mẹ được đưa đến trạm thú y, với liều lượng khoảng 1ml/1kg trọng lượng cơ thể, chó mẹ sẽ dần hồi phục, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, vẫn nên để chó ở trạm thú y thêm một vài giờ nữa để theo dõi. Việc tiêm canxi vào chó phải qua đường tĩnh mạch, không được tiêm vào bắp thịt.
- Bổ sung canxi trong bữa ăn hàng ngày: đây là phương pháp bổ sung canxi mang tính “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nếu được chăm sóc một cách đúng đắn ngay từ đầu trong quá trình mang thai, khi sinh và sau khi sinh, chúng ta sẽ luôn có tỉ lệ rất cao tránh được chứng tụt canxi cấp tính ở chó mẹ. Các loại thức ăn thông thường đã có sẵn canxi tuy nhiên chúng có tỉ lệ khá ít, còn các loại thức ăn như thịt bò, hải sản, tôm cua, vỏ trứng…thì không phải chú chó nào cũng tiêu thụ được, bản thân người chủ phải hiểu rõ vật nuôi của mình để đưa ra khẩu phần phù hợp.
Khi bổ sung canxi cho chó mẹ, tốt nhất chúng ta nên mua thêm các viên thực phẩm bổ sung bao gồm canxi và vitamin D, Vitamin D là chất xúc tác để cho cơ thể có thể tổng hợp, hấp thu, lưu trữ canxi.
Trên đây các bạn đã cùng Petkung.vn tìm hiểu về vấn đề tụt canxi ở chó, chúc các bạn có một chú chó mạnh khỏe!